Quyên bộc lộ niềm đam mê và tham vọng mạnh mẽ với chiếc đàn của mình từ rất sớm. Nên con đường cô đi không rẽ ngang rẽ dọc, cứ cần mẫn miệt mài từ ngày này qua ngày khác, theo một tiến trình học hành bài bản. Hết bậc Trung cấp tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Quyên tiếp tục sang Đức tu nghiệp đại học, rồi nay là một trong số sinh viên Việt Nam hiếm hoi theo học cao học chuyên ngành biểu diễn tại Học viện Âm nhạc Frankfurt.
Quyên có vân tay thuộc chủng đại bàng. Mẹ cô bảo cô là con đại bàng chúa, nên dữ dội và cô đơn trên ngọn núi cuộc đời mình. Trên sân khấu, dễ dàng nhận ra diện mạo đại bàng chúa của Quyên. Chiếc cổ cao với bờ vai suôn mảnh mai kiêu hãnh, từng cử động của vai và tay đều run lên những ước vọng. Ngón đàn của Quyên vì thế lúc nào cũng thường trực một trạng thái níu - ghém lại những xúc cảm dữ dội đang trào dâng từ bên trong.
Tiến thì ngược lại, một bản lĩnh sân khấu mà như thầy của Tiến - nghệ sĩ Violon Bùi Công Duy - phải thốt lên: "Không phải xuất sắc mà là quá xuất sắc". Quyên sôi nổi bao nhiêu, Tiến trầm tĩnh bấy nhiêu. Quyên hoạt ngôn và ngây thơ, Tiến kiệm lời và sắc lẻm. Con đường mà hai chị em đi, giọng đàn của hai chị em trên sân khấu vì thế cũng khác biệt. Nhưng Tiến chỉ mất có 2 năm tập trung học đàn để từ zero thành hero. Sau khi đoạt giải nhất cuộc thi violin quốc tế Mozart tại Thái Lan ở tuổi 12, Tiến lại giành giải nhất cuộc thi violin quốc tế lần thứ VI tổ chức ở Kazakhstan, giải đặc biệt dành cho người biểu diễn tác phẩm hiện đại hay nhất của cuộc thi Tchaikovsky lần thứ 10. Một thành tích khiến giới chuyên môn phải gọi cậu bé 14 tuổi là thần đồng.